Nhiều người Việt Nam ở châu Âu bày tỏ thái độ cẩn trọng sau khủng bố, song đa phần vẫn không quá sợ hãi.
Sau vụ khủng bố kép nhằm vào thủ đô Brussels sáng 22/3, chính quyền các nước phương Tây đồng loạt đưa ra những cảnh báo an ninh, yêu cầu công dân tránh xa khu vực có nguy cơ bị tấn công. Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ cũng công bố hai số điện thoại đường dây nóng là 0032.485.315.965 và 0032.498.352.442 để hỗ trợ người Việt ở đây.

Người phát ngôn của công ty vận tải STIB thủ đô Brussels cho biết sáng ngày 25/3 các nhà ga trong thành phố đón một lượng lớn khách lưu thông. Ảnh: Brussels Times.
Du lịch giữa những nguy cơ khủng hoảng an ninh châu Âu
Có mặt tại khu vực gần nhà ga Maelbeek chỉ vài phút trước vụ nổ bom ngày 22/3, chị Hồng Hà, đang theo học chương trình Thạc sĩ Văn hóa và Phát triển tại KU Leuven cho biết người dân Bỉ đang cố gắng quay trở lại nhịp sinh hoạt bình thường. “Dù tình hình an ninh hiện tại chưa thực sự tốt nhưng mình không cảm thấy quá lo lắng. Bỉ là nơi có nhiều cơ quan quan trọng nhất của châu Âu nên chắc chắn an ninh vẫn được đảm bảo”, chị Hà chia sẻ.
Trở về Bồ Đào Nha từ chuyến thăm thủ đô Brussels chưa đầy 24 giờ trước khi thảm họa xảy ra, Ngọc Trâm, sinh viên trường Đại học Coimbra, chưa khỏi bàng hoàng khi xem tin tức về hai vụ đánh bom tại đúng những nơi cô vừa đi qua. Dù có chút lo lắng, Trâm vẫn tiếp tục hành trình khám phá châu Âu, đến Hy Lạp, Italy, Tây Ban Nha và một vài nơi khác. Trâm chia sẻ rằng 2 tuần sau thảm họa đẫm máu tại Paris tháng 11 năm ngoái, cô vẫn tới thành phố này theo kế hoạch như nhiều du khách khác.
Chia sẻ với VnExpress, Nguyễn Hiền Mi, du học sinh Hà Lan, cho biết cô vừa kết thúc 3 tháng nghiên cứu tại Philippines và ngày 26/3 cô sẽ đáp chuyến bay trở lại Amsterdam, thành phố nằm rất gần với thủ đô Brussels, nơi vừa bị tấn công hôm 22/3. Tuy bất an, song Mi vẫn thực hiện kế hoạch du lịch – trải nghiệm tại Budapest và Vienna vào tháng 4. Cô cũng nhắc đến dự định tới Bỉ trong tương lai gần.
Cũng có kế hoạch tới Bỉ vào tháng 4, một nữ sinh viên người Việt đang theo học trường Aston Business (Anh) bày tỏ nỗi bất an khi điểm đến sắp tới của mình vừa phải hứng chịu hai vụ tấn công đẫm máu. Tuy nhiên, cô vẫn quyết định giữ nguyên lịch trình đi Bỉ của mình. Theo cô, hiện tại khó có thể đánh giá thành phố nào ở châu Âu là an toàn sau một loạt những bất ổn xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau tại nhiều quốc gia vốn nổi tiếng bình yên.
Khác với các ý kiến trên, Nguyễn Siêu, du học sinh Mỹ, đang đi nghỉ tại Đức và có dự định đến Bỉ sau đó quyết định sẽ hủy kế hoạch. Kể lại không khí nặng nề tại Đức, Siêu chia sẻ rằng người dân nước láng giềng cảm thấy buồn song họ vẫn bình tĩnh. Phía trường Đại học của anh đã gửi mail cảnh báo cho sinh viên không đi lại qua Bỉ trong thời gian nhạy cảm này. Anh cho rằng các du khách nên cân nhắc về hành trình tới Bỉ sau thảm họa vừa rồi.

Trước vụ khủng bố ngày 22/3, Brussels luôn là một thành phố yên bình của xứ sở chocolate.
Những lưu ý đối với khách du lịch châu Âu trong thời gian tới
Để thực hiện bất cứ hành trình nào tới châu Âu, du khách tránh hoặc không nên lưu lại quá lâu tại những địa điểm đông người như bến tàu hoặc sân bay. Bạn Mi lưu ý: “Hãy biết tự chăm sóc cho bản thân, nắm được thông tin và tình hình cơ bản của địa phương. Tránh những nơi tụ tập đông người và có tính chất phức tạp (như biểu tình, các quán bar, club khu vực bất ổn, đám đông gậy sự trên đường phố…), tránh những xung đột không cần thiết với người khác, luôn đề cao cảnh giác với người lạ mặt. Nếu có khủng bố hay các vấn đề bất ổn về chính trị xảy ra, hãy chắc chắn rằng bạn biết số điện thoại và địa chỉ của cơ quan đại diện (Đại sứ quán, lãnh sự) gần nhất để liên lạc trong lúc cần thiết”.
Về vấn đề an toàn khi di chuyển, chị Hồng Hà chia sẻ: “Nếu cần thiết đến các nhà ga, mọi người nên chờ ở những toa ít người như đầu hoặc cuối tàu, rất nhiều người có thói quen đứng ở toa gần thang cuốn, nơi đông hơn các điểm khác. Nếu cảm thấy không an toàn khi di chuyển bằng tàu, du khách hãy đi taxi. Hạn chế đi lại vào các giờ cao điểm nếu không có việc cần. Khi đi du lịch châu Âu thời gian này, bạn nên thông báo kế hoạch cho người thân biết, phòng khi có sự cố xảy ra” Chị Hà cũng lưu ý thêm rằng việc di chuyển bằng tàu tại Bỉ hiện nay có thể sẽ bị chậm trễ cho tăng cường kiểm tra an ninh, du khách chú ý sắp xếp để tránh lỡ việc.
Một điểm đáng lưu ý với những du khách có ý định thăm châu Âu dài ngày đó là nên linh hoạt khi đặt phương tiện và nơi ở, chuẩn bị nhiều kế hoạch và lựa chọn khác đề phòng trường hợp các dịch vụ công cộng bị ngưng trệ khi xảy ra bất ổn.
Cuối cùng, mặc dù việc di chuyển giữa các nước trong khối Schengen không yêu cầu thị thực, song du khách nên chuẩn bị đầy đủ giấy tờ thủ tục, đề phòng an ninh bị thắt chặt.
Xem thêm: Vẻ đìu hiu của các điểm tham quan nổi tiếng sau khủng bố
Phạm Huyền