Vợ chồng L bị TAND TP.Hồ Chí Minh phạt từ 6 đến 8 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Từ đó, hai đứa nhỏ phải ở cùng bà nội (gần bước sang tuổi 70) mưu sinh bằng nghề đan giỏ thuê.

Sáng sớm, cậu bé 10 tuổi gọi điện thoại cho tôi, giọng ngắt quãng: ”Mẹ con có bồ rồi cô ạ. Chú ấy và mẹ cùng ở tù với nhau. Ba con biết chuyện thì buồn lắm. Ba vốn bị bệnh, nay bệnh lại trầm trọng hơn. Hai anh con cũng buồn lắm cô ơi!”.

Đó là câu chuyện của hai anh em N.H.A.D và N.H.A.K ở (huyện Củ Chi, TP.Hồ Chí Minh) mà tôi từng gặp ở TAND TP.Hồ Chí Minh trong phiên xử phúc thẩm của cha mẹ các em.

Lúc đó, D 9 tuổi, K 5 tuổi. Hai đứa chẳng biết chuyện ba mẹ mình đi tù. Bà các em nói dối cháu, con trai và con dâu đang đi làm xa.

Giờ ra chơi, D vui vẻ đá bóng cùng các bạn. (Ảnh: Diệu Thuần)

Giờ ra chơi, D vui vẻ đá bóng cùng các bạn. (Ảnh: Diệu Thuần)

Bi kịch nối tiếp bi kịch

Bà nội D và K kể, trước đây, ba các em là anh L làm nghề bán vé số dạo.

Năm 2003, L quen một cô gái bán quán cà phê rồi về nhà bắt mẹ cưới làm vợ. Lúc đầu, bà nhất định phản đối dù L đã ăn nằm với cô gái. Cho đến khi mẹ cô gái tìm đến nhà nói chuyện, bà mới đồng ý cho con trai cưới vợ.

Rồi chẳng biết cả hai ăn ở thế nào, mới cưới được 4 tháng, cô gái đã bỏ về nhà mẹ ở.

L đi làm phụ hồ và quen với mẹ của hai đứa nhỏ, lúc đó cũng đang đi làm phụ hồ cùng. Dù ngại vì con trai vừa lấy vợ đã chia tay nhưng thấy cô gái hiền lành, đảm đang, một lần nữa bà mang sính lễ đi cưới vợ cho con.

“Nó cưới được đứa hiền lành nết na, tui mừng ra mặt”.

Gia đình bà lúc đó rất hạnh phúc. Bà chỉ mong rằng, vợ chồng L hạnh phúc, chí thú làm ăn.

“Tôi có ngờ đâu, lúc con dâu tôi mang bầu đứa lớn được 5 tháng thì hay tin vợ trước của thằng L chết vì bệnh HIV. Nghe người ta nói bệnh đó sẽ lây nhiễm, vợ chồng nó đi xét nghiệm thì kết quả dương tính. Nhìn hai đứa nó đau khổ nhưng vẫn an ủi nhau gắng sống tốt để nuôi con, tôi buồn mà thấy nguôi ngoai phần nào”, bà nói trong nước mắt.

May là dù hai vợ chồng L bị nhiễm HIV nhưng hai đứa con đều khỏe mạnh, không bị nhiễm bệnh giống cha mẹ. Và có lẽ, hạnh phúc của gia đình L sẽ trọn vẹn nếu không có chuyện đáng buồn xảy ra.

Tháng 4/2013, sức khỏe L yếu dần, không làm được việc gì, thêm đứa con bị bệnh nên người vợ cũng phải ở nhà chăm sóc. Thiếu tiền ăn, tiền cho con nhập viện, L nghe bạn rủ rê đi bán ma túy rồi kêu cả vợ đi theo.

“Chúng nó đi bán ma túy, tôi đâu có biết, khi công an đến nhà khám xét tôi mới tá hỏa. Tôi nghĩ, dù bị bệnh nhưng hai đứa nó vẫn cùng nhau làm phụ hồ kiếm tiền nuôi con nên vui lắm, nào ngờ…”, bà kể.

Vợ chồng L bị TAND TP.Hồ Chí Minh phạt từ 6 đến 8 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy. Từ đó, hai đứa nhỏ phải ở cùng bà nội (gần bước sang tuổi 70) mưu sinh bằng nghề đan giỏ thuê, mỗi ngày chỉ được 70.000 – 100.000 đồng.

Nghĩ cây quạt là ba mẹ

Không được ở cùng ba mẹ, không được ba mẹ chăm sóc, các em nhớ ba mẹ đến nao lòng.

”Con nhớ ba mẹ con nhiều lắm. Mỗi lần nhớ ba mẹ, con hay khóc lắm. Cô biết không, một lần nhớ ba mẹ quá mà nội cứ bắt đi ngủ, trong giấc mơ con thấy ba mẹ con. Con thấy ba mẹ đứng quạt cho con ngủ rồi cười với con. Tỉnh dậy, con cứ tưởng ba mẹ là cái quạt nên chạy đến ôm rồi khóc nói: “Sao ba mẹ không ở với con”. Cho đến khi anh Hai đánh một cái, con mới biết mình nhầm – K kể với tôi như thế.

Ánh mắt đượm buồn, giọng nói phụng phịu, K than thở: ”Sao ba mẹ con cứ đi hoài vậy không biết! Mấy bạn trong xóm có ba mẹ đi làm chiều là về nhà và được chở đi chơi. Còn ba mẹ con đi làm gì mà mãi không thấy về nhà với con”.

Nghe cháu nói, người bà phải cắt ngang: ”Con đi lấy cho nội li nước nhé, nội khát rồi”.

K đi rồi, bà nói nhỏ: ”Sợ nó buồn tui phải nói dối là ba mẹ nó đi làm xa rồi. Tui ngại nhắc chuyện ba mẹ nó. Nhắc rồi nó khóc, mình lại khóc theo, buồn lắm!”.

D là anh hai, lớn tuổi hơn em nên hiểu chuyện ngay từ khi vụ việc xảy ra. Cậu bé thay bà chăm sóc em, chỉ em học, đưa đón em đi học và phụ bà nấu cơm. Mỗi khi thấy em ngồi buồn vì nhớ ba mẹ, D đến bên động viên, tìm cách giúp em vui.

”Con sợ em biết chuyện về ba mẹ lắm cô ạ. Nó còn nhỏ, con với bà nội cứ giấu, sợ nó sẽ buồn. Nhưng con cũng lo lắm, mỗi lần hai anh em cùng nội đi thăm ba mẹ, thấy ba mẹ mặc quần áo phạm nhân, trên đường về nó cứ hỏi thôi. Con và nội tính, chờ nó lớn chút nữa mới nói”, D nói nhỏ.

D chỉ mong rằng, ba mẹ mình gắng cải tạo tốt để về đoàn tụ gia đình, để bí mật về ba mẹ sẽ mãi được giấu kín.

“Mẹ con có bồ rồi”

Đó là câu chuyện của hai năm trước. Năm nay, D đã học lớp 5, còn K học lớp 1. Hai anh em vẫn thương yêu nhau và ngóng ngày đón ba mẹ về sống cùng. Hôm rồi, tôi nhận được điện thoại của D báo tin.

Giọng em qua điện thoại rất buồn, ngắt nhịp từng đoạn: “Mẹ con có bồ rồi cô ạ! Chú ấy và mẹ cùng ở tù với nhau. Ba con biết chuyện thì buồn lắm. Ba vốn bị bệnh, nay bệnh lại trầm trọng hơn. Hai anh con cũng buồn lắm cô ơi!” Cuộc điện thoại kết thúc, tôi đã chạy xe gần 70km xuống gặp cậu bé.

Trong ngồi nhà tuềnh toàng, người bà vẫn cặm cụi ngồi đan giỏ tre để kịp giao hàng. K đi học. D đi học thêm ở lớp học tình thương của một cô giáo trong làng. Nói chuyện với tôi nhưng tay bà nội D vẫn thoăn thoắt đan những lát tre vào nhau.

Bà nói buồn: “Tết rồi, tôi dành được ít tiền, ba bà cháu đi thăm vợ chồng nó. Ba nó giờ chỉ còn da bọc xương thôi, chẳng còn thiết sống gì nữa. Các cán bộ nói, ba nó phát bệnh, sẽ chẳng sống được lâu nữa. Đợt trước, mấy bà cháu đi thăm, nó còn khỏe mạnh, nói gắng giữ sức khỏe để về với con. Cách có một tháng mà nó khác nhiều lắm cô ạ!”.

Lân la hỏi mãi, bà mới biết, nguyên nhân L bị như vậy là do được tin vợ đang cặp bồ với người khác.

Lúc đó, bà nghĩ, hãy để chuyện kia sang một bên, lâu lâu con dâu và các cháu gặp nhau thì phải được vui vẻ.

Thế mà, vợ L nói: “Chỉ vài tháng nữa là con về rồi. Đợt này về, con đón anh em nó (D và K) về nhà ngoại sống, mẹ đừng quan tâm đến các cháu nữa”.

Chị ta còn mang cả chuyện mình có bồ kể cho các con nghe. Điều đó, như từng nhát dao cứa vào lòng người bà. Nước mắt bà cứ thế rơi suốt chặng đường từ trại giam Thủ Đức (huyện Hàm Tân, Bình Thuận) về đến nhà.

“Mấy hôm nay, tôi không ngủ được cô ạ. Nghĩ đến cháu, đến con mà thương, mà buồn. Tui phải làm sao đây. Con mình khờ dại, mình là mẹ thì phải chịu. Sự thật làm tôi đau lắm”, bà nói với tôi trong nước mắt.

Tôi đến lớp học thêm của D khi em đang trong giờ nghỉ. Nhìn thấy tôi, em nói ngay: “Mẹ con có bồ rồi cô ạ”.

Tôi hỏi: “K có biết chuyện này không?”. Ánh mắt D đượm buồn: “Có ạ. Mẹ nói với cả em nữa. Ngồi trên xe từ trại giam về, nó cứ hỏi miết thôi. Con cũng chẳng hiểu có bồ là gì nên chỉ giải thích sơ sơ cho em hiểu thôi. Ba buồn lắm. Bệnh của ba nặng hơn khi biết chuyện của mẹ. Nội nói với con là hai anh em sẽ phải chuyển về nhà ngoại sống với mẹ. Nhà ở đây mẹ sẽ bán”.

Tôi hỏi: “Nếu phải chọn giữa nội và mẹ, con sẽ chọn ai?”. “Con không biết được. Con chỉ mong được ở với cả ba mẹ và nội như trước đây”. Đang nói chuyện với tôi, D được nhóm bạn rủ đá bóng, em vui vẻ nhận lời.

Nhìn D vui vẻ đá bóng cùng nhóm bạn, cô giáo em cho biết, hai năm trước, anh em D chẳng muốn đến trường đi học. Mỗi lần đến giờ đi học là tìm cách trốn, rồi khóc thét lên. Việc học của hai anh em yếu hẳn. Cô phải cùng bà nội nhỏ nhẹ tâm sự D mới cho hay, do đến lớp bị thầy cô, bạn bè dị nghị nên không muốn đi.

Sợ cả hai không bắt nhịp kiến thức cùng các bạn, cô giáo đã khuyên bà nội đưa các cháu sang cho mình dạy. Rồi cô cùng bà nội hai em đi nhờ chính quyền can thiệp, hai anh em D mới chịu đi học trở lại.

Chia tay D và lớp học, tôi nghĩ đến hình ảnh một cậu bé hồn nhiên đá bóng cùng nhóm bạn, rồi lại nghĩ đến câu chuyện mà các em đã trải qua và sẽ phải đối mặt. Đáng lẽ tuổi thơ của các em phải được vui tươi, hồn nhiên, sống trong vòng tay bao bọc của ba mẹ.

Thế mà những bi kịch nghiệt ngã cứ bủa vây lấy các em như một cơn bão tố tàn phá mãi, không có điểm dừng. Suốt chặng đường dài 70km, tôi chỉ mong rằng, hai anh em D lớn lên sẽ là một người tốt, không đi theo vết xe đổ của ba mẹ.